Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Theo thống kê cho thấy tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ có thai khoảng 0,1-0,2%. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ và 3 tuần đầu sau sinh. Vậy bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ có thai nguy hiểm như thế nào?

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu của cơ thể. Có thể gặp huyết khối tĩnh mạch sâu ở bất kỳ đâu tuy nhiên thường gặp nhất là các tĩnh mạch sâu ở chân.

Huyết khối tĩnh mạch sâu theo dòng máu về tim, được tim co bóp và đẩy lên phổi gây thuyên tắc phổi. Thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao.

Mạch máu trong huyết khối tĩnh mạch sâu
Các cục máu đông thường gặp nhất là ở chân

2. Vì sao phụ nữ có thai lại có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu?

Phụ nữ mang thai có sự thay đổi trong quá trình đông máu, máu có khuynh hướng tăng đông máu hơn nhằm bảo vệ bà bầu tránh khỏi tình trạng xuất huyết trong tử cung, cầm máu trong quá trình sinh nở. Chính vì máu dễ đông hơn nên tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai.

Mang thai làm cản dòng máu từ chân trở về tim, gây tình trạng ứ đọng máu, giảm lưu lượng tuần hoàn cũng là nguyên nhân gây tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân.

Nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa tương tự nhau, tăng cao ở 3 tháng cuối và 3 tuần đầu sau sinh, bệnh thường xảy ra sau sinh và giảm sau 6 tuần đầu.

3. Đối tượng phụ nữ nào có nguy cơ cao?

  • Có tiền sử huyết khối tĩnh mạch trước đó, gia đình có người từng bị huyết khối tĩnh mạch.
  • Hút hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá.
  • Tuổi trên 35
  • Mắc tiền sản giật.
  • Thừa cân hoặc béo phì. Chỉ số BMI > 30 ở lần đầu đi khám
  • Đi du lịch đường dài khi mang thai
  • Mang thai đôi trở lên.
  • Ít vận động trong thời gian dài.
  • Bẩm sinh có nguy cơ tăng đông máu cao.
  • Thai chậm phát triển trong tử cung.
  • Mổ lấy thai cấp cứu ở lần trước đó.
  • Mẹ mắc bệnh nội khoa như tiểu đường, lupus ban đỏ, ung thư, bệnh hồng cầu hình liềm.
Bà bầu bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Những phụ nữ có nguy cơ cao với bệnh này cần đặc biệt chú ý

4. Dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai

Dấu hiệu bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai thường không rõ ràng, thông thường có các dấu hiệu sau:

  • Đau nhức bắp chân mức độ đau nhẹ hoặc đau dữ dội, đau tăng khi đi lại.
  • Thay đổi màu da vùng da bị huyết khối tĩnh mạch có xu hướng chuyển thành màu xanh đen hoặc một màu bất thường.
  • Sưng chân thường xảy ra ở một chân, so sánh thấy sự khác biệt giữa hai bên chân
  • Cảm giác nóng da ở chân, vùng bị huyết khối thường nóng hơn so với các vùng khác.
  • Thấy những tĩnh mạch nông giãn hơn bình thường
  • Biểu hiện khi có các biến chứng bao gồm: Khó thở không rõ nguyên nhân, ho nhiều đôi khi ho ra máu, đau ngực... là những biểu hiện khi huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng thuyên tắc phổi. Khi có các triệu chứng này cần đến viện ngay để được điều trị kịp thời.

Phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân bằng phương pháp siêu âm doppler mạch máu ở chân.

5. Huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai là một bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng của mẹ và thai nhi

Biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai bao gồm:

Đối con thai nhi: Cục máu đông trong nhau thai làm cản trở nuôi dưỡng thai gây sảy thai, thai phát triển chậm, nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm.

Đối với mẹ: Tắc mạch máu não, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim tăng nguy cơ tử vong mẹ.

6. Cách phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai

  • Thường xuyên vận động trong thai kỳ khi không có chống chỉ định.
  • Nếu nằm trong đối tượng có nguy cơ cao, cần được khám phát hiện sớm
  • Tránh xa thuốc lá. Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Kiểm soát cân nặng. Có chế độ ăn uống hợp lý hạn chế ăn nhiều chất béo, ăn nhiều rau xanh hoa quả, uống nhiều nước.

Huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai là rất nguy hiểm. Thai phụ nằm trong đối tượng có yếu tố nguy cơ cao nên kiểm tra phát hiện và được điều trị dự phòng, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan