Bạn hiểu gì về hội chứng sợ đám đông?

Hội chứng sợ đám đông (còn có tên gọi khác là hội chứng sợ khoảng trống, hội chứng sợ nơi công cộng) là một loại rối loạn lo âu, trong đó người mắc cảm thấy sợ hãi đến mức phải tránh những địa điểm, những tình huống có thể gây ra trạng thái hoảng loạn, cảm giác mắc kẹt, bối rối hoặc tuyệt vọng.

1. Hội chứng sợ đám đông là gì?

Người mắc hội chứng sợ đám đông sẽ sợ hãi ngay cả trong những hoạt động hoặc tình huống rất thường ngày, chẳng hạn như di chuyển bằng phương tiện công cộng, bước vào một không gian kín hoặc không gian mở, đứng xếp hàng hoặc tiến gần một đám đông.

Nếu rối loạn lo âu đã tiến triển nặng thì sẽ rất khó để thoát ra hoặc can thiệp vào sự sợ hãi do rối loạn lo âu gây ra. Hội chứng sợ đám đông đa phần xuất hiện sau khi người mắc đã trải qua một (hoặc nhiều) cơn hoảng loạn. Những người mắc hội chứng sợ đám đông luôn luôn lo sợ mình sẽ bị rơi vào hoảng loạn một lần nữa, từ đó họ luôn cố tránh những nơi mà họ cho là có khả năng xảy ra tình huống đó.

Những người mắc hội chứng sợ đám đông khó có thể cảm thấy an toàn ở bất kì nơi công cộng nào, đặc biệt là những nơi đông người. Họ luôn cần một người đồng hành bên cạnh khi đi tới các khu vực công cộng, và người đồng hành có thể là người thân hoặc bạn bè. Nỗi sợ hãi đôi khi lớn tới mức khiến người mắc không dám rời khỏi nhà.

Hội chứng sợ đám đông khá khó điều trị, bởi người mắc cần phải tự mình đối diện với nỗi sợ. Tuy nhiên với tâm lí trị liệu và thuốc điều trị, người mắc hội chứng sợ đám đông có thể thoát khỏi tình trạng mắc kẹt và tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa hơn.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Yếu tố sinh học (bao gồm cả tình trạng sức khỏe, khía cạnh di truyền), tính khí, áp lực từ môi trường sống, trải nghiệm sống của cá nhân đều có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình hình thành hội chứng sợ đám đông.

Đám đông
Hội chứng sợ đám đông có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân

3. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông có thể xuất hiện từ thời thơ ấu, nhưng thường khởi phát ở cuối tuổi vị thành niên hoặc những năm đầu sau khi đã thành niên (phổ biến là trước tuổi 35); tuy nhiên ở những người trưởng thành lớn tuổi cũng xuất hiện hội chứng sợ đám đông. Hội chứng sợ đám đông thường được chẩn đoán ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới.

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng sợ đám đông bao gồm:

  • Đã từng có rối loạn hoảng sợ hoặc các ám ảnh sợ hãi khác.
  • Đáp ứng với cơn hoảng loạn bằng sự sợ hãi và tránh né quá mức.
  • Trải qua những sự kiện, dấu mốc gây ám ảnh trong đời, chẳng hạn như bị lạm dụng, cha mẹ qua đời, bị người khác tấn công,...
  • Có tính khí hay lo lắng, căng thẳng.
  • Có quan hệ huyết thống với người mắc hội chứng sợ đám đông.

4. Các triệu chứng của hội chứng sợ đám đông

Sợ đám đông
Sợ nơi đông người là triệu chứng tiêu biểu của hội chứng sợ đám đông

Các triệu chứng tiêu biểu của hội chứng sợ đám đông là sự sợ hãi đối với:

  • Ra khỏi nhà một mình
  • Xếp hàng, hoặc nơi đông người
  • Các không gian kín, chẳng hạn như rạp chiếu phim, thang máy, tiệm tạp hóa nhỏ,...
  • Các không gian mở, chẳng hạn như bãi đỗ xe, các cây cầu, các trung tâm thương mại lớn,...
  • Di chuyển bằng phương tiện công cộng, chẳng hạn như xe khách, tàu hỏa hoặc máy bay.

Những tình huống trên gây ra nỗi sợ hãi cho người mắc hội chứng sợ đám đông bởi những người này lo sợ sẽ không thể chạy thoát hoặc không thể tìm được sự giúp đỡ nếu cảm giác hoảng loạn (hoặc bối rối, hoặc các cảm xúc tiêu cực khác) xuất hiện.

Thêm vào đó:

  • Nỗi lo lắng, sự sợ hãi gần như luôn luôn là hậu quả xuất hiện từ các tình huống.
  • Nỗi lo lắng, sự sợ hãi vượt quá mức cần thiết so với mức độ đe dọa thực sự của tình huống.
  • Người mắc hội chứng sợ đám đông luôn cố gắng tránh né tình huống, hoặc cần có người đồng hành ở bên cạnh trong những tình huống đó, nếu buộc phải trải qua tình huống một mình thì họ sẽ phải chịu đựng một cách cực kì nặng nề.
  • Sự tránh né, lo âu, sợ hãi khiến người mắc hội chứng sợ đám đông phải trải qua những bất tiện, căng thẳng thật sự đối với các tình huống ở ngoài xã hội, nơi làm việc và nhiều tình huống khác.
  • Sự tránh né hoặc các ám ảnh sợ hãi thường kéo dài với khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên.

5. Rối loạn hoảng sợ và hội chứng sợ đám đông

Một số người vừa mắc hội chứng sợ đám đông vừa kèm theo rối loạn hoảng sợ. Rối loạn hoảng sợ là một loại rối loạn lo âu, người mắc sẽ trải qua cảm giác đột ngột sợ hãi tột độ, nỗi sợ hãi nhanh chóng đạt đỉnh điểm sau vài phút, và các triệu chứng thực thể cấp tính xuất hiện (cơn hoảng loạn). Lúc này người mắc cảm thấy bản thân mất kiểm soát hoàn toàn, lên cơn đau tim hoặc thậm chí cảm thấy cái chết đã ở rất gần.

Nỗi lo sợ xuất hiện cơn hoảng loạn một lần nữa khiến người mắc luôn nỗ lực tìm cách tránh né những hoàn cảnh tương tự hoặc địa điểm nơi cơn hoảng loạn xảy ra.

Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn hoảng loạn bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh
  • Khó thở, cảm giác bị nghẹt thở
  • Đau ngực hoặc cảm giác đè nặng ngực
  • Đầu óc choáng váng, chóng mặt
  • Cảm thấy run rẩy, tê liệt hoặc ngứa ran
  • Vã mồ hôi
  • Đột nhiên nóng bừng hoặc rét run
  • Đau bụng hoặc tiêu chảy
  • Cảm thấy mất kiểm soát
  • Sợ cái chết đang đến gần
Khó thở
Khó thở, cảm giác nghẹt thở là dấu hiệu của cơn hoảng loạn

6. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Hội chứng sợ đám đông có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, các hoạt động xã hội, ngăn cản người mắc tham dự các sự kiện, lễ hội, thậm chí có thể nặng tới mức làm gián đoạn cả các sinh hoạt thường nhật.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như đã mô tả ở trên, đừng ngần ngại đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

7. Biến chứng của hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông có thể làm giới hạn nghiêm trọng các hoạt động đời sống. Nếu hội chứng sợ đám đông ở mức độ nặng, người mắc sẽ không thể đi ra khỏi nhà. Nếu không được điều trị, một số người bị hội chứng sợ đám đông thậm chí chỉ ở trong nhà hàng năm liền, không thể đi thăm người thân, bạn bè, không thể đi học, đi làm, không thể tham gia các hoạt động bình thường của cuộc sống, và dần dần phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Hội chứng sợ đám đông cũng có thể dẫn tới (hoặc có mối liên hệ với):

  • Trầm cảm
  • Lạm dụng rượu, chất kích thích
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, bao gồm các rối loạn lo âu và rối loạn nhân cách khác.

8. Phòng tránh hội chứng sợ đám đông

Không có một cách nào chắc chắn có thể phòng tránh hội chứng sợ đám đông. Tuy nhiên sự lo âu có xu hướng tăng nặng nếu người mắc cố tránh các tình huống gây sợ hãi. Nếu như bắt đầu xuất hiện nỗi sợ khi đi tới một địa điểm nào đó hoàn toàn an toàn, hãy đối diện với nó, cố gắng đi tới nơi đó thật nhiều lần trước khi để nỗi sợ trở nên quá lớn không thể kiểm soát được nữa. Nếu cảm thấy quá khó để tự làm được, hãy nhờ tới sự đồng hành của gia đình, bạn bè hoặc tìm sự trợ giúp của chuyên gia.

Nếu xuất hiện lo âu khi ra ngoài hoặc đã có cơn hoảng loạn, hãy đi khám và điều trị ngay lập tức, không để tình trạng diễn tiến nặng hơn. Càng can thiệp muộn thì rối loạn lo âu (cũng như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) càng khó điều trị, kết quả đạt được càng hạn chế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

102.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan