Bại não và cách điều trị hiệu quả

Ở Việt Nam có 1.000 trẻ sinh ra thì có 1,8 bé bị bại não, trong đó bé trai có tỉ lệ bị bại não cao hơn bé gái. Bại não có chữa được không đang trở thành mối quan tâm rất lớn của nhiều bậc phụ huynh.

1. Bại não (Cerebral Palsy) và những điều bạn cần biết

Bại não hay liệt não (Cerebral Palsy) là tình trạng tổn thương từ não gây ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng vận động, ngôn ngữ hay cảm giác của trẻ,... Nguyên nhân của bại não là do một hoặc nhiều phần của não có chức năng điều khiển vận động bị tổn thương nên người bệnh gặp khó khăn trong việc cử động các cơ một cách bình thường.

Bại não có nhiều biểu hiện khác nhau ở mỗi thể, do một hoặc nhiều phần của bộ não có chức năng điều khiển cử động và ngôn ngữ bị hạn chế, nên người mắc bại não không thể cử động các cơ của mình một cách bình thường hoặc khó khăn khi nói.

2. Các thể bệnh của bại não

2.1. Bại não thể co cứng (Spastic cerebral palsy)

Bại não thể co cứng
Bại não thể co cứng chiếm khoảng 70 – 90% trong tổng số người bị bại não.

Bại não thể co cứng chiếm khoảng 70 – 90% trong tổng số người bị bại não, biểu hiện dễ thấy ở nhóm này là các cơ co cứng, khó khăn khi cử động. Một số trường hợp nặng có thể gây liệt tứ chi, trong đó thân người và bốn chi đều bị liệt, đồng thời các cơ điều khiển mồm và lưỡi cũng bị liệt. Thông thường, trẻ em bị liệt tứ chi thường bị trí tuệ phát triển chậm và có nhiều vấn đề khác.

2.2. Bại não thể loạn động (Dyskinetic cerebral palsy)

Số người mắc bại não ở thể loạn động ít hơn khá nhiều so với bại não thể co cứng, chỉ chiếm khoảng 20%, tuy nhiên, bại não thể loạn động lại gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Đặc trưng của bại não thể loạn động là sự thay đổi bất thường của trương lực cơ, lúc tăng lúc giảm và đôi lúc có những cử động không thể kiểm soát như cử động chậm và đau hoặc cử động nhanh và giật giật.

Đối với trẻ mắc bại não thể loạn động thường khó có dáng đi hoặc có tư thế ngồi bình thường. Trẻ bại não thể loạn động cũng gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói do các cơ điều khiển nét mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng.

2.3. Bại não thể thất điều (Ataxic cerebral palsy)

Bại não thể thất điều là thể ít gặp nhất trong số những người mắc bại não, chỉ chiếm khoảng 10%. Người mắc bại não ở thể thất điều thường bị mất cân bằng tư thế và phối hợp động tác khiến cho người mắc bại não có thể đi nhưng dáng điệu không vững hay viết khó khăn do cần có sự phối hợp chính xác giữa các cử động.

3. Bại não có di truyền không?

Bại não có di truyền
Yếu tố di truyền có thể gây ra bại não nhưng chưa chứng minh được là nguyên nhân bại não.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra những tổn thương hay dị tật não bằng các chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và phương pháp điều trị bại não ở trẻ. Các nghiên cứu của tổ chức Cerebral Palsy Society chỉ ra khoảng 70% bại não ở trẻ xảy ra trước khi sinh, chủ yếu nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Khoảng 20% xảy ra trong giai đoạn sinh ở và 10% còn lại xảy ra trong 2 năm đầu của bé khi não vẫn đang trong giai đoạn hình thành.

Ba yếu tố quan trọng liên quan đến việc chẩn đoán bại não được các nhà khoa học của Đại học Y tế Michigan – Mỹ đều cập gồm: yếu tố di truyền, bại não bẩm sinh và bại não sau sinh.

Bại não không phải là yếu tố có thể di truyền, tuy nhiên, các yếu tố di truyền có thể khiến trẻ bị bại não. Rối loạn di truyền không trực tiếp gây ra bại não ở trẻ nhưng ảnh hưởng của rối loạn di truyền có thể tác dụng nhỏ trên hệ Gen. Ảnh hưởng của di truyền có thể hình thành phức tạp và gây ra một số bất thường ở trẻ.

Theo các nhà khoa học, di truyền chỉ là một yếu tố có thể gây ra bại não nhưng chưa được chứng minh là nguyên nhân gây bại não. Do vậy, các gia đình trước khi sinh con hoặc gia đình đã có bé mắc bại não muốn sinh thêm con nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên môn để kiểm tra bản đồ gen và được tư vấn chính xác nhất.

4. Trẻ bại não sống được bao lâu?

Bại não được chẩn đoán khi trẻ từ 2 đến 3 tuổi.Trên toàn quốc, có khoảng 500.000 trẻ em trên 3 tuổi và người lớn mắc bại não do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bại não nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ em có thể cải thiện những khả năng của mình một cách đáng kể. Mặc dù, các triệu chứng của bại não thay đổi theo thời gian tốt hơn hoặc tệ hơn nhưng theo định nghĩa của bại não thì bại não không diễn tiến, vì vậy nếu tình trạng của người bệnh càng ngày càng yếu đi thì nguyên nhân có thể do một số vấn đề nào khác chứ không phải nguyên nhân do bại não.

Nhiều báo cáo tổng hợp về tuổi thọ của người mắc bại não được các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu là sự sống phôi thai và sơ sinh, và giai đoạn hai là tuổi trưởng thành.

4.1. Bại não ở giai đoạn đầu tiên là sự sống phôi thai và sơ sinh

Phôi thai
Khó xác định nguyên nhân tử vong thai nhi ở giai đoạn phôi thai do bại não gây ra.

Ở giai đoạn này, tỷ lệ tử vong tập trung cao ở giai đoạn phôi thai nhưng lại khó thể phân chia chắc chắn nguyên nhân tử vong là do bại não vì nó thường xảy ra ở những trẻ bị tổn thương não nặng.

4.2. Tử vong do bại não ở giai đoạn tuổi trưởng thành

Tỉ lệ sống còn của trẻ mắc bại não giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào việc can thiệp sớm từ lúc còn nhỏ. Mức độ nghiêm trọng của những khuyết tật liên quan đến bại não khi trẻ còn nhỏ như tính linh hoạt, tăng co cứng, đau đớn, sức chịu đựng của cơ, dẫn đến chấn thương, stress,... có ảnh hưởng lớn đến đến sự sống của trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thống kê từ Anh, trẻ bại não không đi kèm suy giảm nghiêm trọng thì có đến 99% trẻ sống qua tuổi 30 và nếu trẻ có tình trạng khuyết tật nghiêm trọng, con số giảm xuống còn 95% trẻ sống qua tuổi 30.

Ngoài ra, các báo cáo cũng chỉ ra, tuổi thọ của trẻ bị mắc bại não sẽ được cải thiện theo thời gian nếu được can thiệp và phục hồi chức năng sớm.

5. Bại não có chữa được không?

Bại não không có nghĩa là toàn bộ não bị tổn thương mà não chỉ bị tổn thương một phần và chủ yếu phần não bị tổn thương là phần não điều khiển ngôn ngữ và vận động. Mặc dù phần não bị tổn thương không có khả năng hồi phục lại hoàn toàn nhưng cũng không tiến triển xấu đi. Các vấn đề do bại não gây ra như các cử động, tư thế và các vấn đề liên quan khác đến bại não có thể được cải thiện tốt hơn hoặc xấu đi tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn phương pháp điều trị.

6. Điều trị bại não như thế nào?

Điều trị bại não ở Vinmec
Vinmec tiến hành ghép tế bào gốc điều trị bại não lần đầu tiên tại Việt Nam.

Điều trị bại não là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm và băn khoăn phương pháp nào là hiệu quả. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bại não như châm cứu bấm huyệt, diện chẩn, oxy cao áp, ghép tế bào gốc hay phục hồi chức năng,... Tuy nhiên, đến nay, khoa học trên thế giới cho thất phục hồi chức năng đang là phương pháp tốt và có hiệu quả cải thiện tốt đối với trẻ bị bại não.

Điều trị bại não không phải là điều trị trong 1 - 2 tháng mà điều trị bại não cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Điều trị bại não cần phối hợp giữa gia đình và bác sĩ điều trị, kết hợp giữa phục hồi chức năng vận động đối với trẻ chậm phát triển về vận động, trị liệu ngôn ngữ cho những trẻ chậm nói hay gặp khó khăn với ngữ âm; điều hòa cảm giác cho những trẻ bị rối loạn cảm giác; đào tạo kỹ năng cá nhân cho trẻ bại não để trẻ thích nghi với khuyết tật của bản thân và cải thiện khả năng tự phục vụ của mình. Ngoài ra, cũng cần đào tạo hòa nhập cho trẻ để trẻ có cơ hội tương tác với xã hội và tham gia vào xu hướng của cuộc sống.

Trẻ bị bại não bị khiếm khuyết về cử động và ngôn ngữ, nên các bậc cha mẹ cần giúp trẻ bị bại não được phát triển toàn diện cả về hành vi, vận động, kỹ năng cá nhân – xã hội, tâm lý, ngôn ngữ,... Do đó, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cho trẻ bị bại não và cần kết hợp nhiều phương pháp theo một quá trình được đánh giá liên tục về kết quả.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan