Chỉ số protein, SG trong xét nghiệm nước tiểu có ý nghĩa gì?

Hỏi

Bác sĩ cho em hỏi: Xét nghiệm ngày 12/5/2020 của em, trong nước tiểu có protein 1.0g/l, ery 300 ery/ụi và SG 1.030 là em bị gì? Chỉ số protein, SG trong xét nghiệm nước tiểu có ý nghĩa gì? Nếu em có bệnh thì tình trạng có nặng lắm không ạ? Em xin cảm ơn nhiều.

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi: “Chỉ số protein, SG trong xét nghiệm nước tiểu có ý nghĩa gì?”. Bác sĩ xin giải đáp như sau:

Ở người có chức năng thận bình thường, không có protein trong nước tiểu, do màng lọc cầu thận không cho các phân tử protein có trọng lượng phân tử lớn thấm qua. Trong trường hợp thận bị rối loạn chức năng (ví dụ viêm cầu thận...), màng lọc cầu thận bị tổn thương, điều này khiến các phân tử protein có thể đi qua và xuất hiện trong nước tiểu. Vì vậy xét nghiệm này là một trong những biện pháp giúp chẩn đoán bệnh nhân có bị bệnh thận hay không.

Giá trị bình thường âm tính. Protein niệu dương tính: Thường gặp trong đái tháo đường, tình trạng gắng sức, viêm cầu thận, tăng huyết áp ác tính, đa u tủy xương, protein niệu tư thế đứng, tiền sản giật, viêm thận bể thận... Kết quả dương tính giả có thể xảy ra khi nước tiểu có tính kiềm cao, bị cô đặc quá mức, có vi khuẩn trong nước tiểu, do dùng một số loại thuốc hay sau ăn một lượng protein lớn...

Chỉ số SG (tỷ trọng nước tiểu): Là số đo nồng độ của nước tiểu so sánh với nồng độ của nước (được coi là 1000). Nước tiểu có tỷ trọng cao có nghĩa là nó đang bị cô đặc. Xét nghiệm này là một chỉ dẫn cho khả năng cô đặc và bài tiết nước tiểu. Tỷ trọng nước tiểu tăng thường gặp trong viêm cầu thận, suy tim, mất nước, đái tháo đường, tiêu chảy cấp, sốt, mất quá nhiều dịch, uống ít nước, tăng tiết ADH... Ngoài ra, tỷ trọng nước tiểu có thể tăng khi mẫu nước tiểu bị nhiễm bẩn hay giấy vệ sinh.

Hồng cầu niệu là tình trạng bất thường tại hệ tiết niệu khi các tế bào hồng cầu đi vào nước tiểu. Hồng cầu niệu có thể được phát hiện khi quan sát thấy nước tiểu chuyển màu đỏ hoặc xét nghiệm hồng cầu niệu dương tính. Tất cả các đái máu ở nam cần được tiến hành thăm dò chuyên khoa hệ tiết niệu.

Ở nữ có hồng cầu trong nước tiểu có thể là hậu quả của nhiễm bẩn từ âm đạo (đặc biệt là trong thời gian hành kinh). Nếu nguồn gốc phụ khoa được loại trừ thì cần tiến hành thăm dò chuyên khoa hệ tiết niệu.

Nước tiểu sậm màu là dấu hiệu của viêm gan A
Một số người bệnh xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu

Với kết quả của bạn cần phải xem lại mẫu nước tiểu lấy đã đúng quy cách hay chưa? Mẫu nước tiểu bị nhiễm bẩn sẽ làm sai lệch kết quả, ảnh hưởng tới việc chẩn đoán và điều trị.

Cách lấy bệnh phẩm nước tiểu:

  • Rửa sạch tay bằng xà phòng
  • Vạch các môi lớn và môi bé, dùng một miếng gạc tẩm nước xà phòng lau qua lỗ tiểu bằng một động tác duy nhất từ trước ra sau, sau đó rửa lại bằng nước sạch
  • Bệnh phẩm nước tiểu phải được lấy giữa dòng, sau khi đi tiểu được một vài giây, thu nước tiểu vào bình chứa vô khuẩn và đóng kín bình

Bạn có thể thực hiện lấy mẫu đúng quy cách như trên, làm lại xét nghiệm nước tiểu (tránh chu kỳ kinh nguyệt). Nếu đã loại trừ được nguyên nhân nước tiểu bị nhiễm bẩn, bạn cần được thăm khám chuyên khoa tiết niệu để tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Nếu có thể bạn nên thăm khám trực tiếp với bác sĩ tại các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được bác sĩ chuyên môn tư vấn kỹ càng hơn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Vinmec.

Được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: