Điều gì xảy ra khi quá liều paracetamol ở trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ, Tiến sĩ Phan Quỳnh Lan - Giám đốc khối Dược Hệ thống Y tế Vinmec - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Dược sĩ Lan đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng, từng là giảng viên bộ môn Dược lâm sàng tại Đại học Dược Hà Nội.

Paracetamol là thuốc giúp giảm đau, hạ sốt thông dụng và được cho là khá an toàn, kể cả khi dùng cho trẻ em. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ cần có chỉ định và lời khuyên của bác sĩ vì nếu dùng paracetamol quá liều sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

1. Paracetamol là thuốc gì?

Paracetamol (acetaminophen) là hoạt chất giúp giảm đau và hạ sốt, được sử dụng để điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt... Thuốc chỉ giảm đau đối với những trường hợp bị viêm khớp nhẹ chứ không có tác dụng đối với những tình trạng bị viêm nặng hơn như viêm sưng khớp cơ.

Thuốc được sử dụng cho cả người lớn, trẻ em và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ khi dùng paracetamol cần phải có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc về sử dụng, tránh các tác dụng không mong muốn khi dùng quá liều paracetamol.

Thuốc không được khuyến cáo trong các trường hợp đau do viêm vì thuốc không có tác dụng chống viêm.

Khi sử dụng paracetamol có thể gây ra một số phản ứng dị ứng sau:

  • Dị ứng, mẩn da
  • Đau miệng, sốt, khó thở
  • Buồn nôn, giảm cân, chán ăn
  • Bị vàng da, vàng mắt

Khi xảy ra bất kỳ triệu chứng gì khi dùng thuốc, nên ngưng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay lập tức

2. Liều dùng thuốc paracetamol an toàn cho trẻ nhỏ

Paracetamol Siro
Dạng sirô có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ dễ uống thuốc hơn

Paracetamol dành cho trẻ em thường được bào chế dưới dạng gói bột, dạng sirô và viên nhét hậu môn, với hàm lượng 80 mg, 150 mg, 250 mg và 300mg:

  • Dạng gói bột thường có mùi hương thơm của các loại trái cây, có vị ngọt rất hợp với sở thích của trẻ, trẻ sẽ không sợ khi sử dụng. rất tiện lợi khi trẻ sốt chỉ cần pha thuốc với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống.
  • Dạng sirô có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự như với dạng gói bột.
  • Viên nhét hậu môn được dùng khi trẻ sốt li bì không uống được, bị nôn ói, co giật hay khi trẻ ngủ bố mẹ không muốn đánh thức.

Liều dùng paracetamol thông thường từ 10-15 mg/kg cho một lần uống và tối đa không quá 60 mg/kg trong một ngày. Mỗi ngày uống không quá 4-6 lần, khoảng cách giữa các lần ít nhất là 4h. Khi cho trẻ uống thuốc paracetamol cần phải tuân thủ khoảng cách an toàn giữa hai lần uống, nếu không trẻ sẽ bị quá liều paracetamol.

Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C (đo nhiệt kế ở nách), nên sử dụng thuốc để hạ cơn sốt. Riêng trẻ nhỏ có bệnh lý về gan, vàng da do tắc mật... thì không được dùng thuốc tại nhà.

Khi dùng thuốc, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn đường tiêu hóa ( như tiêu chảy, nôn) da xanh, ngủ li bì, cần ngừng thuốc ngay lập tức và đưa trẻ đi khám để được theo dõi điều trị kịp thời.

3. Điều gì xảy ra khi quá liều paracetamol ở trẻ em?

Quá liều paracetamol ở trẻ em có thể gây ngộ độc paracetamol. Nguyên nhân là do:

  • Nhiều người khi thấy trẻ sốt liên tục không đỡ nên đã cho uống paracetamol nhiều lần trong thời gian ngắn để hạ sốt.
  • Uống nhiều loại thuốc có chứa paracetamol cùng lúc
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài.
  • Uống liều quá cao.

Triệu chứng khi quá liều paracetamol ở trẻ em:

  • Trường hợp 1: (Tròng vòng 24h từ sau khi dùng quá liều)

Trẻ bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng. Sau khi dùng thuốc quá liều gây hôn mê, suy nhược cơ thể.

  • Trường hợp 2: (Trong vòng 24 - 72h sau khi dùng quá liều)

Khi ngộ độc paracetamol nặng, ban đầu trẻ sẽ bị kích động và mê sảng. Tiếp theo là ức chế hệ thần kinh trung ương như hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh và nông; mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn.

  • Trường hợp 3: (Trong vòng 72h-96h)

Tiếp đó là tình trạng tăng men gan nhanh chóng, trẻ có nguy cơ tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong khi không can thiệp kịp thời

Trẻ em
Bỏ bú, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng là những triệu chứng đầu tiên khi quá liều Paracetamol ở trẻ em

4. Phòng ngừa quá liều paracetamol ở trẻ em

Các bác sĩ khuyến cáo bậc cha mẹ nếu khi thấy trẻ sốt kéo dài quá 3 ngày, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc bị dị ứng với thuốc, sốt 40-41 độ thì cần phải đưa trẻ vào bệnh viện để kiểm tra. Phụ huynh nên để thuốc ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ, cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.

Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ, vì một số loại thuốc có thể vào được sữa mẹ gây nên tình trạng ngộ độc cho trẻ bú sữa mẹ.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thêm thuốc dùng cho trẻ. Khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ thành phần của thuốc để tránh dùng nhiều loại có cùng hoạt chất. Các thành phần này thường được ghi ở phần trên cùng của nhãn thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và dùng đúng liều theo khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc và sự hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.

Sử dụng các thiết bị chia liều đi kèm với mỗi loại thuốc, chẳng hạn như một ống nhỏ giọt, cốc, thìa, muỗng... Không được sử dụng các dụng cụ đo lường khác như thìa ăn hàng ngày trong nhà bếp vì có thể sẽ cung cấp sai liều lượng thuốc. Không bao giờ được uống thuốc nước trực tiếp từ chai, lọ thuốc.

Kiểm tra thuốc 3 lần trước khi sử dụng. Đối với bất kỳ loại thuốc nào, thực hành này luôn là cần thiết. Trước tiên, kiểm tra các bao bì bên ngoài xem có còn nguyên vẹn không. Thứ hai, kiểm tra nhãn trên bao bì bên trong để chắc chắn rằng bạn dùng có đúng loại thuốc hay không. Thứ ba, kiểm tra màu sắc, hình dạng, kích thước và mùi vị của thuốc. Khi nhận thấy có bất cứ điều gì bất thường, hãy ngừng dùng sản phẩm thuốc đó.

Lắc lọ thuốc paracetamol dạng lỏng trước khi sử dụng. Viên nén nhai nên được nhai đúng cách trước khi nuốt. Tay bạn phải khô trước khi cầm viên nén tan rã paracetamol.

Khi trẻ có các triệu chứng quá liều Paracetamol hoặc có các triệu chứng xấu đi như: da đỏ hoặc sưng ở vùng đau, phát ban, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn thì hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc cần chuyển ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

134.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan