Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoái hóa khớp gối, đau khớp gối là căn bệnh phổ biến xuất hiện từ độ tuổi tuổi trung niên. Vậy có những loại thuốc giảm đau khớp gối nào?

1. Thoái hóa khớp gối và các cơn đau khớp gối

Đau khớp gối nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, khớp gối càng dễ bị lão hóa, thoái hóa.
  • Công việc: Do tính chất công việc thường xuyên phải lao động, khuân vác nặng, di chuyển nhiều và liên tục, đứng lâu.
  • Chấn thương: Gặp tai nạn trong cuộc sống, công việc hoặc chơi thể thao.
  • Bệnh lý: Các bệnh lý liên quan đến xương khớp mắc phải.

Thông thường, thoái hóa khớp gối và các cơn đau liên quan đến khớp gối có những biểu hiện như:

  • Cơn đau xuất hiện ở một hoặc cả hai đầu gối, mặt trước hoặc trong đầu gối, đau vùng mềm, vùng gân bám xung quanh cơ khớp gối.
  • Khi vận động nhiều như đi bộ, leo cầu thang, ngồi xổm, mức độ các cơn đau tăng lên.
  • Các cơn đau làm người bệnh gặp khó khăn trong vận động, đặc biệt là co duỗi khớp gối, người bệnh còn có thể nghe thấy âm thanh khi cử động khớp gối.
  • Sưng đầu gối do viêm hoặc tràn dịch khớp ở gối.

2. Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng

Các cơn đau khớp gối ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó, thuốc giảm đau thường được sử dụng trong những trường hợp này. Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh và chỉ định sử dụng thuốc điều trị giảm đau phù hợp.

Tùy vào mức độ của cơn đau, tình trạng khớp gối có bị viêm, sưng hay không và tác nhân gây đau là gì, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tương ứng:

Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng
Đau khớp khối là bệnh phổ biến ở tuổi trung niên
  • Các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol (acetaminophen) hoặc các chế phẩm kết hợp giữa paracetamol với tramadol, cafein, codein...
  • Các loại thuốc giảm đau chống viêm không có chứa steroid như ibuprofen, celecoxib, diclofenac, ....cũng có thể phối hợp điều trị.
  • Các thuốc chống thoái khớp khác: Các loại thuốc có tác dụng bổ trợ cho khớp gối như glucosamin sulfat, chondroitin sulfat,... làm chậm quá trình tổn thương khớp như diacerein, piascledine,... Đây là các loại thuốc thường được dùng kết hợp với thuốc giảm đau, kháng viêm trong giai đoạn đầu, người bệnh bị đau nhiều. Trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng, bác sĩ có thể tiêm phối hợp thuốc giảm đau có chứa corticoid hoặc tiêm thay thế dịch khớp để bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp, giảm đau để di chuyển với acid hyaluronic.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau khớp gối

  • Người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau khớp gối hoặc các thuốc bổ trợ khớp gối mà không có ý kiến và chỉ định của bác sĩ.
  • Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần kết hợp tập luyện để bảo vệ, giữ gìn và duy trì chức năng của khớp.
  • Nghỉ ngơi, hạn chế cử động nặng ảnh hưởng trực tiếp đến khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

85K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan