U não là một bệnh lý nguy hiểm và phương pháp điều trị dựa trên nhiều yếu tố như kích thước, vị trí khối u. U não nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng nặng nề hoặc thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh. Vậy u não có chữa được không?
1. Bệnh u não có chữa được không?
Bệnh u não là một bệnh lý nguy hiểm và có thể để lại di chứng khuyết tật, thậm chí đe dọa tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh u não có thể chữa được và mức độ thành công điều trị còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể với nhiều yếu tố như:
1.1 Tính chất của khối u
- Đối với u não lành tính là loại khối u phát triển chậm, chiếm 71% tổng số ca u não. Phẫu thuật là một cách điều trị u não tốt nhất với khối u não lành tính, có thể cắt bỏ được hoàn toàn khối u trong nhiều trường hợp. U não lành tính ít có khả năng di căn hoặc tái phát lại sau khi điều trị.
- U não ác tính là loại khối u nguy hiểm, chiếm 29% tổng số ca u não và có mức độ phát triển, di căn nhanh cũng như dễ tái phát sau phẫu thuật. Phương pháp điều trị thường phải kết hợp hai hoặc nhiều cách điều trị u não khác nhau như phẫu thuật, xạ trị và hoá trị mới có thể loại bỏ khối u hoàn toàn.
1.2 Vị trí khối u
Khối u nằm ở các phần não khác nhau sẽ có mức độ nghiêm trọng khác nhau và đồng thời cũng để lại di chứng khác nhau như:
- Khối u não ở thuỳ đỉnh khiến cho người bệnh khó nói khó giao tiếp
- Khối u não ở thuỳ thái dương làm cho người bệnh mất trí nhớ ngắn hạn tạm thời, lãng tai và hay quên
- Khối u vùng tiểu não khiến cho người bệnh đi đứng mất thăng bằng
1.3 Kích thước, cấp độ và mức độ phát triển khối u
Kích thước khối u càng lớn thì gây áp lực nội sọ càng cao. Từ đó, khả năng để lại tai biến và rủi ro sau khi điều trị cũng tăng. Bên cạnh đó, nếu khối u được phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, vì lúc này kích thước và mức độ di căn của khối u vẫn trong tầm kiểm soát và chưa nguy hiểm tới tính mạng.
Ngoài ra, khối u phát triển và di căn với tốc độ càng nhanh, mức độ di căn càng sâu rộng thì khả năng đem lại hiệu quả điều trị càng giảm. Một số khối u não phát triển rất nhanh chỉ sau vài tháng, thậm chí là vài tuần. Tuy nhiên, một số khối u não lại phát triển rất chậm và chỉ tăng khoảng 2-3 mm mỗi năm.
1.4 Khả năng đáp ứng điều trị và nguy cơ tái phát
Một số trường hợp đáp ứng với điều trị hoá trị và xạ trị rất tốt nhưng một số khối u não khác thì gây kháng thuốc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả điều trị. Lúc này, việc điều trị u não sẽ trở nên khó khăn và tốn kém, đồng thời để lại nhiều tác dụng phụ. Nếu điều trị u não bằng phương pháp phẫu thuật thì công nghệ và thiết bị y tế sẽ đóng một phần quyết định cho quá trình điều trị.
Khả năng tái phát của khối u ác tính giai đoạn 3 - 4 sau điều trị rất cao. Bởi vì, giai đoạn nảy mầm mống của khối u đã di căn sâu và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Ngược lại, đối với khối u lành tính hoặc khối u não giai đoạn sớm có thể được điều trị hiệu quả và tiên lượng tốt hơn.
2. Điều trị u não
Hiện nay có 5 phương pháp điều trị u não được áp dụng phổ biến đó là phẫu thuật, hoá trị, xạ trị. Việc áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị u não khác nhau sẽ được cân nhắc lựa chọn dựa trên đặc điểm khối u và khả năng đáp ứng của người bệnh.
2.1 Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị u não có lịch sử phát triển lâu đời nhất, mục đích là loại bỏ được khối u não càng nhiều càng tốt mà không làm tổn thương tới các mô khoẻ mạnh.
2.2 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị u não có sử dụng chùm tia bức xạ chiếu vào vị trí khối u nhằm tập trung cao độ để tiêu diệt tế bào u não. Những chùm tia được sử dụng thường là tia X, tia Gamma và tia beta. Mục tiêu của xạ trị là tiêu diệt những tế bào u não mà vẫn giữ cho các mô não xung quanh khoẻ mạnh không bị tổn thương. Xạ trị thường được chia thành 10-30 buổi điều trị phụ thuộc vào loại khối u. Mỗi buổi xạ trị diễn ra trong thời gian ngắn và người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày.
2.3 Hoá trị
Hoá trị là cách điều trị u não có sử dụng thuốc là các hợp chất hoá học chuyên dụng nhằm tiêu diệt hoặc làm chậm lại sự phát triển của các tế bào khối u não. Tiên lượng cải thiện khả năng sống ở người bệnh u não ác tính điều trị bằng phương pháp hoá trị khá thấp. Do đó, hoá trị là phương pháp điều trị u não cần phải cân nhắc kỹ, ít được ưu tiên hơn phẫu thuật và xạ trị. Hoá trị có thể được cung cấp cho người bệnh với những hình thức sau:
- Đường tiêm: hoá trị liệu theo đường truyền tĩnh mạch được thực hiện bằng cách tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch.
- Đường uống: Hoá trị đường uống thông qua thuốc
- Đường phẫu thuật: được áp dụng khi đặt thuốc giadel wafers trực tiếp vào não. Trong đó gliadel wafers là những tấm thuốc hình trong, được đưa trực tiếp vào chỗ trống ở não sau khi khối u não được cắt bỏ, áp dụng phổ biến trong điều trị u thần kinh đệm ác tính.
3. Phục hồi chức năng sau điều trị u não
U não có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên não vì vậy nó cũng có thể ảnh hưởng tới những chức năng sinh học trên cơ thể như giao tiếp, vận động, thị lực và năng lực hành vi. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp phục hồi chức năng sau điều trị là một phần cần thiết cho quá trình điều trị.
- Vật lý trị liệu sẽ giúp cho người bệnh lấy lại những kỹ năng vận động bị mất như cầm nắm, chạy nhảy, đi lại hoặc sức mạnh cơ bắp.
- Hoạt động trị liệu nghề nghiệp: sẽ giúp cho người bạn trở lại những hoạt động sinh hoạt hàng ngày bình thường
- Trị liệu ngôn ngữ: người bệnh sẽ được gặp gỡ những chuyên gia nghiên cứu bệnh lý về giọng nói nhằm khắc phục chứng khó giao tiếp sau điều trị u não.
- Gia sư: được áp dụng cho trẻ em trong độ tuổi đi học, giúp cho trẻ có thể dễ dàng thích ứng với những thay đổi trong suy nghĩ và trong trí nhớ sau điều trị u não.
4. Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị u não
Bất kỳ cách điều trị u não nào thì sau quá trình điều trị người bệnh cũng cảm thấy mệt mỏi uể oải, đau đầu và đôi khi có kèm theo chóng mặt, hoa mắt và những triệu chứng suy giảm chức năng khác. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh sau mỗi liệu trình điều trị là vô cùng quan trọng sẽ giúp họ phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng như:
- Chăm sóc vết thương: người bệnh cần phải bảo vệ và chăm sóc vết thương cho tới khi vết mổ lành lại. Người bệnh có thể tự thay băng tại nhà hoặc đặt lịch hẹn thay băng tại cơ sở y tế. Nếu vết mổ bị chảy máu, chảy dịch hoặc đau kèm sốt thì cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn mà người bệnh có thể sử dụng nhằm giảm đau vết thương.
- Theo dõi nhịp sinh học: một khối u não có thể tái phát sau điều trị đều ảnh hưởng tới nhịp tim, nhịp thở. Do vậy, việc sở hữu một thiết bị theo dõi chức năng sống tại nhà là rất cần thiết.
Tóm lại, u não là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có nhiều cách điều trị u não khác nhau. Mỗi cách lại có những cách phục hồi chức năng sau điều trị cũng khác nhau. Do vậy, bạn hãy chủ động hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn liệu trình chăm sóc và phục hồi hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.