Viêm bao hoạt dịch khớp: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Viêm bao hoạt dịch khớp là một trong những bệnh lý xương khớp rất phổ biến hiện nay, đặc biệt ở những đối tượng là vận động viên thể thao hay người lao động chân tay nhiều. Để chẩn đoán chính xác căn bệnh này thì bệnh nhân cần phải được thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết.

1. Viêm bao hoạt dịch là gì?

Viêm bao hoạt dịch khớp là tình trạng viêm, sưng, đỏ của một túi chứa dịch lỏng ở các khớp. Bao hoạt dịch thường nằm ở vị trí xung quanh vai, hông, khuỷu tay hoặc đầu gối, bàn chân và có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp và gân, da để giúp cho các hoạt động được dễ dàng hơn.

Bệnh viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp xương phải hoạt động thường xuyên như viêm bao khớp gối, viêm bao khớp cổ tay... và có xu hướng tái phát sau khi đã điều trị khỏi. Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh viêm bao khớp hoạt dịch, tuy nhiên, những người phải hoạt động nhiều và càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

2. Triệu chứng cảnh báo viêm bao hoạt dịch khớp

Không giống như nhiều căn bệnh khác, triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp rất dễ nhận biết, bao gồm:

● Khớp sưng và tấy đỏ;

● Người bệnh cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp, cơn đau sẽ chuyển biến nặng hơn khi người bệnh di chuyển hoặc ấn vào;

● Có thể xuất tiết dịch nhiều gây ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp;

● Nếu bị viêm bao hoạt dịch khớp gối thì người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi di chuyển, viêm bao khớp cổ tay thì khó khăn khi cầm nắm.

viem-bao-hoat-dich-khop-nhung-dieu-can-biet-1
Khớp sưng tấy

3. Viêm bao hoạt dịch khớp có nguy hiểm không?

Mặc dù bệnh viêm bao khớp không thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không có phương án điều trị đúng thì bệnh sẽ diễn tiến nặng và xuất hiện các biểu hiện như:

● Cơn đau kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm;

● Bị sưng quá nhiều, bầm tím, tấy đỏ hoặc phát ban khu vực bị viêm;

● Đau nhói bất thình lình, đặc biệt là khi đang tập thể dục;

● Cứng khớp do bất động kéo dài ...

4. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch khớp

Người bệnh có thể bị viêm bao khớp gối, viêm bao khớp cổ tay hay viêm bao khớp vai nhưng chúng đều có thể xuất phát từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan sau:

Do bị chấn thương: Các khớp khủy tay, khớp gối thường có bao hoạt dịch nằm dưới da nên khi bị chấn thương sẽ làm cho bao hoạt dịch bị tổn thương và viêm nhiễm;

Do nghề nghiệp: Những nghề bắt buộc phải vận động thường xuyên, lao động chân tay nhiều như làm vườn, lao công... hay vận động viên thể thao sẽ khiến cho khớp phải hoạt động thường xuyên và chịu nhiều áp lực, vì thế mà bao hoạt dịch bị tổn thương và gây ra bệnh;

Do tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc phải bệnh viêm bao hoạt dịch khớp càng lớn bởi tuổi tác làm cho xương khớp bị lão hóa và mất đi độ chắc khỏe, dễ bị tổn thương;

Do bệnh lý: Người bệnh đã và đang mắc phải các bệnh lý như bệnh gout, thấp khớp, tiểu đường... cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm bao hoạt dịch khớp.

5. Điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp

Viêm bao hoạt dịch khớp là căn bệnh gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp.

Khi phát hiện bệnh, người bệnh sẽ phải nghỉ ngơi và dừng các hoạt động trong vòng ít nhất 2 - 3 tuần. Khớp bị viêm sẽ được cố định bằng băng thun hoặc nẹp trong thời gian đầu để giảm đau và giảm tình trạng viêm của khớp. Ngoài ra, để giúp giảm sưng và đau nhanh chóng thì người bệnh có thể chườm đá và sử dụng các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen, aspirin, naproxen...

Trường hợp viêm bao khớp do nhiễm trùng gây ra thì bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh; chọc hút bớt dịch trong bao hoạt dịch để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, việc chọc hút quá nhiều có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tổn thương phần mềm ở vùng chọc, nhiễm trùng lan rộng. Chính vì thế nếu điều trị trong vòng 12 tuần mà bệnh không thuyên giảm thì người bệnh cần phải nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở để chữa lành các tổn thương và làm giảm áp lực lên túi hoạt dịch.

Ngoài ra, một số biện pháp có thể giúp người bệnh viêm bao hoạt dịch khớp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm đau hiệu quả gồm:

● Nghỉ ngơi và hạn chế cử động khu vực bị viêm để giúp tăng độ phục hồi;

● Chườm đá có thể giúp giảm sưng, đau;

● Nếu bị viêm bao khớp gối thì hãy đặt một chiếc gối giữa hai chân khi nằm nghiêng một bên để giảm áp lực lên đầu gối;

● Nếu bị viêm bao khớp khuỷu tay thì hãy tránh đè lên tay khi nằm nghiêng;

● Nếu muốn chơi các môn thể thao đối kháng thì phải mặc đồ bảo hộ khi chơi;

● Không nên lặp đi lặp lại các hoạt động;

● Đi khám bệnh thường xuyên để bác sĩ xem xét các tổn thương dây chằng, khớp và xương (nếu có).

Viêm bao hoạt dịch khớp là bệnh thường gặp, gây đau đớn và giới hạn các hoạt động thường ngày dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy trong vận động thường ngày, bệnh nhân cần chú ý không gây áp lực nhiều lên vùng khớp bị ảnh hưởng.

viem-bao-hoat-dich-khop-nhung-dieu-can-biet-2
Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian điều trị viêm bao khớp

Người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng đã nêu trong bài để các bác sĩ có thể xác định được chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bệnh nhân. Đội ngũ bác sĩ Nội Cơ xương khớp có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm trong việc khám và điều trị bệnh lý về viêm bao hoạt dịch khớp. Đồng thời Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Becoaloxan
    Công dụng thuốc Becoaloxan

    Chứa thành phần chính là Paracetamol và Ibuprofen với hàm lượng tương ứng là 325mg và 200mg - thuốc Becoaloxan thuộc nhóm giảm đau hạ sốt không chứa steroid. Thuốc được chỉ định chủ yếu để hạ sốt và giảm ...

    Đọc thêm
  • diclocare
    Tác dụng thuốc Diclocare

    Thuốc Diclocare chứa hoạt chất diclofenac được bào chế dưới dạng gel bôi ngoài da. Thuốc được chỉ định trong điều trị tại chỗ viêm quanh khớp, viêm bao khớp, viêm bao gân cũng như các chấn thương gây viêm ...

    Đọc thêm
  • Richaxan
    Công dụng thuốc Richaxan

    Richaxan là thuốc kê đơn trong điều trị các tình trạng viêm và đau như viêm bao khớp, thấp khớp, đau cơ, đau lưng, đau đầu, chấn thương do thể thao, giảm sốt.... Để đảm bảo an toàn cho sức ...

    Đọc thêm
  • Huhylase
    Công dụng thuốc Huhylase

    Huhylase có thành phần chính là Hyaluronidase - 1 loại enzym phân hủy axit hyaluronic, được sử dụng để tăng sự hấp thu thuốc vào mô và giảm tổn thương mô, tăng tính thấm thấu của các thuốc khác trong ...

    Đọc thêm
  • katrapa
    Công dụng thuốc Katrapa

    Thuốc Katrapa là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không có chứa steroid. Thuốc Katrapa thường được sử dụng trong điều trị các bệnh về xương khớp và bệnh gút. Tuy nhiên, ...

    Đọc thêm