Nhận diện dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tỷ lệ đứt dây chằng chéo sau chiếm khoảng 5 - 10% trong các chấn thương về khớp gối. Đứt dây chằng chéo sau nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến cơ xương khớp và việc đi lại sau này.

1. Dây chằng chéo sau

Xương vùng khớp gối bao gồm: xương đùi ở phía trên, xương chày ở phía dưới và xương bánh chè ở phía trước. Các xương này lại được liên kết với nhau bằng hệ thống các dây chằng chính là:

  • Hệ thống dây chằng bên: Dây chằng bên trong và bên ngoài khớp gối;
  • Hệ thống dây chằng chéo: Dây chằng chéo trước (ACL) và dây chằng chéo sau (PCL) nằm bên trong khớp gối.

Trong đó, dây chằng chéo sau nằm ở phía sau đầu gối và ngay trung tâm khớp gối, kết nối xương đùi với xương chày. Dây chằng chéo sau lớn hơn và mạnh hơn dây chằng chéo trước, với chức năng chính là:

  • Phối hợp với các dây chằng khác giữ khớp gối vững chắc;
  • Ngăn cản mâm chày di lệch ra sau;
  • Giúp cho khớp gối hoạt động ổn định khi chơi thể thao và sinh hoạt hằng ngày.

2. Dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau

Đứt dây chằng chéo sau
Đứt dây chằng chéo sau có thể xảy trong nhiều tình huống, chủ yếu là khi bệnh nhân đang ngồi hoặc khuỵu chân

2.1. Nguyên nhân

Cơ chế chấn thương dây chằng chéo sau đa phần là do lực tác động trực tiếp từ trước ra sau, đẩy thật mạnh vào mặt trước đầu trên của cẳng chân về phía sau làm đứt dây chằng. Đứt dây chằng chéo sau có thể xảy trong nhiều tình huống, chủ yếu là khi bệnh nhân đang ngồi hoặc khuỵu chân. Các nguyên nhân có thể là:

  • Tai nạn xe hơi / xe máy do thắng quá đột ngột, hoặc bị tông thẳng từ phía trước đầu gối;
  • Tư thế quỳ gối khi té ngã;
  • Chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chày hoặc trượt tuyết...

2.2. Triệu chứng

Đứt dây chằng chéo sau thường chiếm ít hơn 20% các trường hợp chấn thương đầu gối và có thể phối hợp thêm tổn thương một số dây chằng, sụn hoặc phá vỡ một phần xương bên dưới. Những triệu chứng cơ năng và dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau mà bệnh nhân có thể cảm nhận bao gồm:

  • Đau: đau ở đầu gối mức độ từ nhẹ đến trung bình sau khi bị chấn thương, có thể khiến bệnh nhân đi bộ khập khiễng hoặc đi lại khó khăn;
  • Sưng: đầu gối thường bị sưng nhanh chóng, chỉ trong vòng vài giờ sau chấn thương, sưng nề làm khớp gối bị hạn chế vận động;
  • Lỏng khớp: bệnh nhân có cảm giác đầu gối lỏng lẻo, không còn ở vị trí ban đầu mà bị lỏng như rời ra;
  • Không thể cử động mạnh: khớp gối không vững được cảm nhận rõ nhất khi lên xuống cầu thang, bệnh nhân cũng không thể tham gia những hoạt động mạnh như chạy, nhảy, chơi thể thao, ...
  • Quan sát thấy bất thường: đùi bên chân bệnh hơi teo lại, đầu trên của cẳng chân bị trượt ra sau.
  • Thoái hóa khớp gối: tổn thương kéo dài gây ra các triệu chứng như đau và sưng nề khớp gối, gấp duỗi gối hay đi lại khó khăn.

Khi các phần khác của đầu gối cũng bị tổn thương, những triệu chứng sưng đau thường sẽ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chỉ bị đứt dây chằng chéo sau đơn thuần, nghĩa là không có thương tích các bộ phận còn lại của đầu gối, các dấu hiệu có thể rất nhẹ đến mức khó nhận ra. Một thời gian sau bệnh nhân mới phát hiện khi các cơn đau trầm trọng hơn và đầu gối ngày càng không ổn định.

2.3. Phân loại

Không giống như những chấn thương dây chằng đầu gối khác, đứt dây chằng chéo sau trên thực tế thường khó đánh giá hơn. Tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể phân loại tổn thương theo mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Cấp độ I: Chỉ bị bong gân nhẹ và khớp gối vẫn được giữ vững chắc;
  • Cấp độ II: Dây chằng bị rách một phần hoặc bán phần và khớp gối lỏng hơn;
  • Cấp độ III: Đứt hoàn toàn dây chằng và đầu gối trở nên lỏng lẻo;
  • Cấp độ IV: Dây chằng chéo sau tổn thương cùng với đứt các dây chằng khác.
Đứt dây chằng chéo sau
Đứt dây chằng chéo sau có thể là cấp tính do chấn thương đột ngột, hoặc mãn tính khi tình trạng sưng đau tiến triển theo thời gian

3. Chẩn đoán và điều trị đứt dây chằng chéo sau

3.1. Chẩn đoán

Có nhiều phương pháp thăm khám chuyên biệt để chẩn đoán xác định chấn thương dây chằng chéo sau, chẳng hạn như:

  • Khai thác thông tin về tình huống bị chấn thương;
  • Nghiệm pháp Godfrey (quan sát thấy mâm chày tụt ra sau so với lồi cầu đùi);
  • Test ngăn kéo sau dương tính;
  • Kiểm tra mức độ lỏng lẻo của đầu gối;
  • Có máu trong dịch khớp.

Ngoài ra, để phát hiện chuyển động bất thường ở đầu gối, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân đứng và đi bộ, hoặc di chuyển đầu gối, chân và bàn chân theo các hướng khác nhau, sau đó so sánh chân bị thương với chân khỏe mạnh.

Trong một số trường hợp, xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được đề nghị, ví dụ:

  • Chụp X-quang khớp gối để phát hiện gãy xương và các trường hợp bong nứt xương chỗ bám dây chằng;
  • Chụp cộng hưởng từ ( MRI ) để hiển thị rõ vết rách dây chằng chéo sau hoặc tổn thương các sụn, đứt dây chằng khác, hình ảnh tràn dịch, tràn máu khớp gối,...

3.2. Điều trị

Đứt dây chằng chéo sau có nên mổ không? Các bác sĩ khẳng định không phải tất cả trường hợp đứt dây chằng chéo sau đều phải mổ. Phẫu thuật tái tạo dây chằng chỉ được chỉ định khi chấn thương nghiêm trọng, cụ thể:

  • Đứt dây chằng chéo sau mà gối lỏng nhiều;
  • Kèm theo rách các dây chằng khác, tổn thương sụn phối hợp;
  • Bệnh nhân có nhu cầu hoạt động mạnh;
  • Không có biến chứng thoái hóa khớp nặng, hạn chế gấp duỗi gối, hay nhiễm khuẩn khớp.

Nếu không thuộc những trường hợp trên, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau, giảm sưng nề nhằm hạn chế các triệu chứng.

Đứt dây chằng chéo sau
Nếu không thuộc những trường hợp trên, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn

Một biện pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến là RICE (Rest: nghỉ ngơi, Ice: chườm đá lạnh, Compression: băng gối, Elevation: kê chân cao) sẽ giúp phục hồi chấn thương khớp từ nhẹ đến trung bình.

Khi không còn sưng, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp khớp gối không bị cứng và mạnh hơn, từ đó cải thiện chức năng và sự ổn định của đôi chân, dần phục hồi hoàn toàn. Lưu ý nên băng hỗ trợ đầu gối hoặc đi nạng trong quá trình tập.

Tóm lại, đứt dây chằng chéo sau nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể dẫn đến hạn chế chức năng cũng như thoái hóa khớp gối. Biện pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ tổn thương và thời gian bị chấn thương.

Trả lời cho câu hỏi đứt dây chằng chéo sau có nên mổ không, các bác sĩ cho rằng hầu hết các trường hợp đều không cần làm phẫu thuật. Thay vào đó, bệnh nhân nên hạn chế vận động, mang nẹp gối, hoặc đi nạng khi luyện tập phục hồi nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Đối với những trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật, cần lưu ý phòng ngừa biến chứng tổn thương bó mạch khoeo và nhiễm trùng sau mổ, gây nguy hiểm và kéo dài thời gian lành lặn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo khớp gối có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, chẩn đoán và điều trị giúp phục hồi chức năng khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Phẫu thuật thay khớp gối do lao
    Phẫu thuật thay khớp gối do lao

    Lao khớp gối là một trong những dạng thường gặp của lao xương khớp. Lao khớp gối gây đau và sưng gối nhiều, giới hạn vận động khớp gối và có thể tạo đường rò mủ. Phẫu thuật thay khớp ...

    Đọc thêm
  • Thuốc Lexixryl Kit
    Thuốc Lexixryl Kit: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

    Thuốc Lexixryl Kit là thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng kháng viêm, giảm đau sưng, cứng khớp. Thuốc được dùng bôi ngoài trong điều trị bệnh viêm khớp gối.

    Đọc thêm
  • ausrex
    Công dụng thuốc Ausrex

    Ausrex thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, được dùng để điều trị các bệnh thoái hóa xương khớp, thoái khớp nguyên phát và thứ phát, loãng xương... Vậy thuốc Ausrex có tác dụng gì và được sử ...

    Đọc thêm
  • Glucozamax
    Công dụng thuốc Glucozamax

    Thuốc Glucozamax 500 có chứa thành phần chính là Glucosamin sulfat kali clorid. Thuốc được sử dụng với mục đích làm giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình. Cùng tìm hiểu Glucozamax là thuốc gì ...

    Đọc thêm
  • Ziclopro
    Công dụng thuốc Ziclopro

    Thuốc Ziclopro được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm khớp gối, giảm đau, sưng và cứng khớp, giúp cải thiện khả năng cử động và linh hoạt của khớp gối. Vậy thuốc Ziclopro là thuốc gì?

    Đọc thêm