Điều trị tổn thương sụn chêm khớp gối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tổn thương sụn chêm thường gặp ở các vận động viên và cũng có thể xảy ra ở mọi người nhất là người cao tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp. Rách sụn chêm có thể xảy ra như là hậu quả của chấn thương hoặc chỉ đơn giản là do áp lực kéo dài lên đầu gối.

1. Nguyên nhân rách sụn chêm

Sụn chêm nằm ở đầu gối, thuộc dạng sụn xơ có dạng giống chữ C hoặc chữ O. Mỗi đầu gối có hai sụn chêm, nằm ở giữa đầu xương đùi và xương chày.

Chức năng chính của sụn chêm là đón nhận những áp lực cho va đập vào đầu gối và là một lớp mềm ngăn cách giữa xương của khớp gối. Tổn thương sụn chêm khớp gối thường gặp nhất là rách sụn chêm gây đau và hạn chế vận động khớp.

Nguyên nhân gây rách sụn chêm:

  • Ở người trẻ rách sụn chêm có thể xảy ra sau một chấn thương đột ngột trong thể thao, tai nạn giao thông khi ở trạng thái gối gấp và chân bị vặn xoắn.
  • Ở người lớn tuổi sụn chêm thường bị rách do thoái hóa, đứng ngồi đột ngột.
Người già
Rách sụn chêm có thể xảy ra ở người già do thoái hóa

2. Triệu chứng rách sụn chêm

Với các sụn chêm rách nhỏ có cảm giác đau nhẹ và sưng khớp gối, thường kéo dài từ 2-3 tuần.

Với rách sụn chêm có các triệu chứng điển hình như sau:

2.1 Rách sụn chêm mảng nhỏ

  • Đau ở khu vực khe khớp lan dần lên trung tâm khớp gối.
  • Sưng xuất hiện muộn sau 2-3 ngày.
  • Có thể dẫn đến cứng, giảm khả năng vận động của khớp gối khi gấp khớp gối.
  • Đau tăng lên khi ngồi xổm. Nếu không được điều trị tình trạng đau có thể kéo dài.

2.2 Với rách sụn chêm mảng lớn

Mảng rách có khả năng di chuyển vào khe khớp là nguyên nhân gây kẹt khớp, khóa khớp làm cho bệnh nhân không thể duỗi thẳng khớp gối được. Xuất hiện sưng hoặc cứng khớp sau chấn thương từ 2-3 ngày.

Ở những bệnh nhân lớn tuổi, rách sụn chêm có thể không biết. Bệnh nhân chỉ biết cảm giác đau khớp gối khi ngồi xổm hoặc khi gối vặn xoắn. Đau và sưng nhẹ khớp gối thường là triệu chứng duy nhất.

cứng khớp gối
Rách sụn chêm không có nhiều triệu chứng rõ ràng

3. Điều trị không phẫu thuật của một vết rách sụn chêm

Điều trị không phẫu thuật là phương pháp điều trị rách sụn chêm khớp gối được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Những tổn thương vừa và nhỏ nằm ở rìa bên ngoài của sụn.
  • Các triệu chứng của chấn thương có dấu hiệu sẽ tự lành lại được.
  • Đầu gối còn khả năng cử động ổn định và phạm vi chuyển động của khớp không bị hư hỏng quá nhiều.
  • Bệnh nhân vẫn thực hiện được các hoạt động hàng ngày như bình thường.

Điều trị không phẫu thuật sẽ giúp phục hồi các tổn thương ở sụn chêm, bằng bốn hoạt động chính:

  • Nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, cường độ cao.
  • Chườm đá: sử dụng túi chườm lạnh, một vài lần một ngày.
  • Băng ép bằng một loại băng có tính đàn hồi để ngăn chặn sưng thêm và mất máu.
  • Nâng cao chân so với tim bằng cách kê một cái gối bên dưới hoặc gác chân lên một miếng đệm cao hơn khi bạn nằm sẽ giúp giảm sưng khớp gối.

4. Phẫu thuật nội soi hồi phục tổn thương sụn chêm

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương và các kết quả chẩn đoán hình ảnh của khớp (chụp X quang và chụp cộng hưởng từ MRI), độ tuổi, và mức độ hoạt động thể chất hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định phẫu thuật là cần thiết hay không.

4.1 Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật

Mục đích: Giảm đau và trả người bệnh về lại sinh hoạt bình thường. Giữ lại chức năng của sụn chêm và giảm hiện tượng thoái hóa khớp.

Chỉ định khâu lại sụn chêm: rách mới trước 4 tuần, rách vùng có máu nuôi dưỡng.

Chỉ định cắt tạo hình sụn chêm: rách cũ trên 6 tuần, rách vùng vô mạch.

Chống chỉ định phẫu thuật với các trường hợp: viêm nhiễm vùng khớp gối.

chấn thương sụn chêm
Bác sĩ dựa vào tình trạng sụn chêm để có phương án xử lý phù hợp

4.2 Các bước chuẩn bị phẫu thuật

Người thực hiện: Bác sĩ chuyên ngành chấn thương chỉnh hình có chứng chỉ nội soi khớp.

Phương tiện: bộ dụng cụ nội soi khớp, dàn máy nội soi khớp

Người bệnh:

Hồ sơ bệnh án đầy đủ và được xem xét kỹ.

4.3 Các bước tiến hành phẫu thuật

Kiểm tra người bệnh: Đủ sức khỏe để làm phẫu thuật.

Nguyên tắc cắt tạo hình sụn chêm:

  • Cắt tiết kiệm phần rách.
  • Chừa lại phần giáp bao khớp để giữ vững khớp và chịu lực.

Tùy theo vị trí rách ta có thể khâu từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài hay cố định bằng dụng cụ.

  • Kỹ thuật khâu từ trong ra, chỉ định: Rách sừng sau, 1/3 giữa, rách quai xách lớn, rách sát bao khớp, ghép sụn chêm.
  • Kỹ thuật khâu từ ngoài vào: Chỉ định: Rách sừng trước, 1/3 giữa, rách đứng dọc, rách quai xách nhỏ.
  • Cố định bằng dụng cụ: Chỉ định: rách sừng sau, 1/3 giữa, rách quai xách, rách đứng dọc.

Sau mổ, chân được bất động bằng nẹp trong thời gian 3 tuần. Nếu phải khâu sụn chêm thì thời gian bất động sẽ lâu hơn để giúp liền sụn.

Tổn thương sụn chêm có thể được điều trị một cách dễ dàng nếu sớm phát hiện và được áp dụng phương pháp điều trị hợp lý. Thời gian phục hồi còn tùy thuộc vào tình trạng tổn thương của sụn chêm. Tuy nhiên, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu sau điều trị sẽ giúp cho khả năng phục hồi cao hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan