Nguyên nhân và các yếu tố gây cơn động kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức chống động kinh Quốc tế, động kinh được định nghĩa là tình trạng xác định bởi cơn co giật không do sốt cao, tái phát từ hai cơn trở lên cách nhau trên 24 giờ, không bị kích thích lên cơn bởi các nguyên nhân tức thì như rối loạn chuyển hóa cấp tính, sự ngừng thuốc, ngừng rượu đột ngột.

1. Bệnh động kinh là gì?

Động kinh là một bệnh phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh động kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó đa số gặp ở trẻ em. Các nghiên cứu về động kinh cho thấy, 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và 75% bệnh nhân dưới 20 tuổi. Khi tuổi càng lớn thì tỷ lệ động kinh càng thấp, tuy nhiên khi trên 60 tuổi bệnh động kinh lại có xu hướng tăng lên.

Bệnh động kinh có di truyền không? Các đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh động kinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Có khoảng 10-20% số bệnh nhân động kinh có tiền sử gia đình cha mẹ, anh chị bị động kinh.

Di truyền
Các đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh động kinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

2. Cơ chế gây bệnh động kinh

Khác với hầu hết các bệnh lý thần kinh khác, bệnh động kinh không có tổn thương bệnh lý rõ ràng, nhiều kích thích điện và hóa chất có thể làm xuất hIện cơn động kinh ở những người mà não bộ hoàn toàn bình thường. Dấu hiệu của bệnh động kinh là các cơn động kinh xuất hiện đồng bộ, tái phát có thể do tổn thương ở một vùng vỏ não hoặc lan tỏa toàn bộ não.

Bình thường, điện tích trong và ngoài màng tế bào luôn cân bằng, không có sự phóng điện. Phóng điện được sinh ra khi màng tế bào bị biến đổi cho phép các chất điện giải đi qua gây ra sự mất cân bằng giữa trong và ngoài tế bào, làm nảy sinh sự khác nhau về điện tích. Trên màng tế bào có các đích của thụ thể tiếp nhận chất dẫn truyền thần kinh. Các thụ thể này có vai trò ức chế hoặc lan tỏa dòng điện để kiềm hãm hoặc tạo ra sự di chuyển các điện giải đi qua tế bào. Các thụ thể này bị hoạt hóa khi có sự tổn thương não như khi não thiếu oxy, tổn thương não mạn tính,...Các tổn thương này có thể duy trì các cơn động kinh và các cơn động kinh lại kích thích giải phóng ra các chất dẫn truyền thần kinh dẫn đến một vòng xoắn bệnh lý.

Nghiên cứu những năm gần đây đã xác định rằng, sự ức chế giải phóng GABA (Acid Gamma Amino Butyric) là cơ chế bệnh sinh chủ yếu gây nên cơn động kinh. GABA là một chất dẫn truyền thần kinh loại ức chế, giải phóng GABA sẽ làm giảm ức chế dẫn đến xuất hiện cơn động kinh. Một số thuốc như phenobarbital, acid valproic, benzodiazepin làm tăng ức chế của chất GABA do đó có tác dụng chống động kinh.

3. Nguyên nhân động kinh và các yếu tố gây cơn động kinh

Trẻ em
Trẻ bị ngạt lúc sinh, chấn thương sản khoa,.. có nguy cơ mắc động kinh

Cơn động kinh xuất hiện do sự thay đổi thất thường của các nơ ron thần kinh gây ra bởi các quá trình bệnh lý làm ảnh hưởng đến não. Nếu cơn động kinh không tìm được nguyên nhân gọi là bệnh động kinh, nếu cơn động kinh tìm được nguyên nhân rõ ràng gọi là động kinh triệu chứng. Có nhiều nguyên nhân động kinh tùy theo lứa tuổi:

  • Ở trẻ sơ sinh: có khoảng 1% trẻ sơ sinh có các cơn co giật, thường là động kinh triệu chứng. Nguyên nhân chủ yếu là do ngạt lúc sinh, chấn thương sản khoa, chảy máu sọ não, hạ đường huyết, hạ Magne huyết, hạ natri huyết, thiếu hụt Vitamin B6, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương,...
  • Ở trẻ em: các nguyên nhân thường gặp là động kinh nguyên phát (động kinh không rõ nguyên nhân), liệt não, viêm não, viêm màng não, tổn thương cấu trúc trong sọ, bệnh chuyển hóa, ngộ độc thuốc, bệnh di truyền, chấn thương,...
  • Ở người lớn: có rất nhiều nguyên nhân gây khởi phát các cơn động kinh ở người lớn như động kinh nguyên phát, tổn thương cấu trúc não, bệnh mạch máu não như chảy máu não, nhồi máu não, nhiễm khuẩn thần kinh trung ương, bệnh hệ thống, nhiễm độc rượu, thuốc tâm thần, các bệnh rối loạn chuyển hóa,...
  • Người già: ở người già trên 60 tuổi, động kinh có thể do u não, ung thư di căn, rối loạn tuần hoàn não, xơ cứng mạch não, teo não,...

Các nguyên nhân động kinh thường gặp là:

  • Động kinh do chấn thương sọ não: Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, những tiêu chuẩn để xác nhận cơn động kinh do chấn thương sọ não là: cơn động kinh đầu tiên xảy ra không quá 10 năm sau chấn thương. Trước khi chấn thương sọ não, bệnh nhân không bị động kinh. Sau khi bị chấn thương sọ não, bệnh nhân có mất ý thức hoặc có triệu chứng tổn thương thần kinh khu trú.
  • Động kinh do u não: Khoảng 50% bệnh nhân bị u não có cơn động kinh. Trong đó, đa số là các cơn động kinh cục bộ, u màng não ở thùy thái dương, thùy trán gây động kinh nhiều hơn các vị trí khác. Tiền triệu hoặc triệu chứng khởi phát của cơn động kinh giúp chẩn đoán định khu vị trí của não. Ngoài cơn động kinh còn có hội chứng tăng áp lực trong sọ, hội chứng thần kinh khu trú tùy theo vị trí của khối u.
  • Động kinh do bệnh lý mạch máu não: Hay gặp nhất là do u mạch, thông động- tĩnh mạch trong não, chảy máu não và chảy máu màng nhện gặp khoảng 14-15. Trong huyết khối và trong tắc mạch gặp khoảng 7-8%.
  • Động kinh do di chứng viêm não và màng não: Đa số gặp ở trẻ em, tiền sử của bệnh nhân có viêm não, viêm màng não. Ngoài cơn động kinh, bệnh nhân còn có các di chứng khác như thiểu năng tâm thần, triệu chứng tổn thương các dây thần kinh sọ não, hội chứng bệnh lý bó tháp, ngoại tháp.
  • Động kinh do có nang sán lợn ở não: thường kèm theo có nang sán ở cơ, đáy mặt, trong não. Chẩn đoán dựa vào chụp CT, cộng hưởng từ MRI sọ não.

4. Điều trị bệnh động kinh

Thuốc
Mục đích điều trị bệnh động kinh là để kiểm soát các cơn co giật với thuốc ở liều thấp nhất ít gây tác dụng phụ

Mục đích điều trị bệnh động kinh là để kiểm soát các cơn co giật với thuốc ở liều thấp nhất ít gây tác dụng phụ. Việc lựa chọn thuốc cần theo các nguyên tắc là sử dụng liều thích hợp với từng loại động kinh, dùng từ liều thấp đến tăng dần. Khi dùng thuốc với liều cao mà không có tác dụng thì phải thay bằng thuốc khác. Chỉ nên dùng một loại thuốc chống động kinh, hạn chế dùng hai hoặc nhiều thuốc cùng lúc. Phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, không được tự động điều chỉnh tăng hoặc giảm liều, không được ngừng thuốc đột ngột. Thời gian uống thuốc tùy thuộc vào nguyên nhân động kinh và khả năng đáp ứng điều trị. Trẻ em thường uống sau cơn cuối cùng từ 6-18 tháng, người lớn sau 2-3 năm. Trong thời gian dùng thuốc, phải theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

Đối với những bệnh nhân thất bại khi điều trị bằng thuốc, nếu loại động kinh có thể điều trị bằng phẫu thuật thì phẫu thuật là cách lựa chọn tốt nhất, có ý nghĩa lớn trong hạn chế các di chứng về tâm thần xã hội.

Bên cạnh việc điều trị, cần tiến hành giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, gia đình, người thân của bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân động kinh cao nhiều lần so với tỷ lệ tử vong chung, nguyên nhân phổ biến là tai nạn đuối nước, tai nạn lao động,... Cần cảnh báo với bệnh nhân và gia đình nguy cơ xảy ra cơ động kinh khi đang bơi lội ở biển, sông hoặc bể bơi. Nguy cơ xảy ra tai nạn lao động khi cơn động kinh xảy ra, người bệnh mất ý thức, ngã quỵ. Người bệnh động kinh cần lao động để hòa nhập với cộng đồng, tuy nhiên tùy theo điều kiện cụ thể, cần tìm cho bệnh nhân công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Thạc sĩ Bác sĩ Huỳnh An Thiên có thế mạnh và kinh nghiệm trong khám, tư vấn và điều trị các bệnh thần kinh; hô hấp và các bệnh nội tiết - chuyển hóa

Trước khi là bác sĩ Nội thần kinh tại Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, bác sĩ Thiên từng có kinh nghiệm công tác dài tại bệnh viện Trung Ương Huế

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc Neupencap
    Công dụng thuốc Neupencap

    Thuốc Neupencap được chỉ định trong điều trị các cơn động kinh cục bộ và đau thần kinh. Vậy cách sử dụng thuốc Neupencap như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Gabarica 400
    Công dụng thuốc Gabarica 400

    Gabarica thuộc nhóm thuốc chống động kinh, điều trị các trường hợp động kinh cục bộ. Thuốc có thành phần chính là Gabapentin. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin thuốc Gabarica 400 công dụng gì để ...

    Đọc thêm
  • Sakuzyal
    Công dụng thuốc Sakuzyal

    Thuốc Sakuzyal là một thuốc chống động kinh, được dùng để điều trị cơn động kinh cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi. Cùng tham khảo những thông tin về thuốc Sakuzyal qua bài viết dưới đây.

    Đọc thêm
  • Levetacis 1000
    Công dụng thuốc Levetacis 1000

    Thuốc Levetacis 1000 thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, dùng để điều trị các cơn động kinh cục bộ, hoặc có thể kết hợp với thuốc khác để điều trị cơn động kinh thứ phát trên người lớn hoặc trẻ ...

    Đọc thêm
  • Gabex-400
    Công dụng thuốc Gabex-400

    Thuốc Gabex 400 được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Gabapentin. Thuốc được sử dụng trong điều trị chứng đau thần kinh do virus varicella zoster và động kinh.

    Đọc thêm